Học cao đẳng là lựa chọn an toàn
Các chuyên gia tuyển sinh, người thành đạt xuất thân từ trường nghề cũng như nhà tuyển dụng khẳng định học cao đẳng là lựa chọn an toàn trước thực trạng tỷ lệ thất nghiệp cao ở bậc đại học cũng như thiếu nhân lực trình độ cao đăng, trung cấp.

Chưa tốt nghiệp đã có việc làm
Bàn sâu về nội dung này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Chuyên gia tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, cố vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II (HVCT) thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tiêu tuyển sinh các trường đại học đã chiếm khoảng 600.000. Trong khi đó, doanh nghiệp cần số lượng lao động trình độ cao đẳng, trung cấp có tay nghề gâp 8 lần so với trình độ đại học.

Con số trên cho thấy, đào tạo trình độ đại học đang có cung lớn so với cầu. “Điều này giải thích tại sao nên chọn học cao đẳng. Ở bậc học này, trong thời gian thực tập, sinh viên đã được doanh nghiệp mời ở lại làm việc với mức lương khởi điểm không thua kém trình độ đại học. Học cao đẳng mất chỉ 2,5 năm, liên thông lên đại học 1,5 năm. Đi đường vòng với thời gian ngắn, it tốn tiền, ra trường dễ kiềm việc làm”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, ở các nước phát triển, để tiết kiệm kinh phí và phù hợp với năng lực của mình, đa phần học sinh đều chọn bậc CĐ, sau đó đi làm rồi đăng ký các khóa học liên thông. Tại các quốc gia như Đức, Mỹ…, không ít người có bằng Tiến sĩ giảng dạy ở bậc đại học đều trưởng thành từ CĐ nghề.
“Thực tế tại Việt Nam, sau tốt nghiệp THPT một bộ phận phụ huynh, học sinh muốn vào đại học bằng mọi giá. Cha mẹ vẫn còn tâm lý sính bằng cấp, ép buộc con vào đại học nhưng vào đại học top trên không dễ, buộc phải vào trường top dưới hoặc trường tư. Vì cái ảo vọng ấy mà tốn tiền bởi học phí trường tư quá cao, phải vay tiền đóng học phí nhưng ra trường lại thất nghiệp”, GS.TS Đỗ Văn Dũng thẳng thắn.
Lợi thế khi học cao đẳng
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Lê Mạnh Hà (cựu sinh viên HVCT) – CEO TBS Logistics khuyên các bạn trẻ cần định hình học để làm gì? Nếu xác định học để nghiên cứu chuyên sâu thì học đại học, còn học để đi làm thì chọn học cao đẳng là phù hợp và an toàn bởi doanh nghiệp cần người thực học, thực làm và thực chiến.

Cũng theo anh Hà, doanh nghiệp ở Việt Nam không có chỗ cho nghiên cứu, cho nên đa số sinh viên đại học ra trường làm việc ở vị trí của người học cao đẳng. Người học cao đẳng được tiếp cận thực hành sớm nên hầu hết đều giỏi hơn người có bằng đại học. Đó là thực tế xảy ra ở thị trường lao động Việt Nam, gây lãng phí lớn khi học đại học ra nhưng phải làm công việc chỉ cần trình độ cao đẳng.
Trong khi đó, CEO Nguyễn Hoàng Century – anh Nguyễn Hoàng Hồ đúc kết: “Sau tốt nghiệp cao đẳng nghề, đi làm từ vị trí nhân viên cho đến lãnh đạo cấp cao, nhận thấy lợi thế khi học cao đẳng là tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, các bạn thuộc đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, học tốt thì nhận được học bổng của trường, của doanh nghiệp và cả hội cựu sinh viên. Bên cạnh đó, khi đã ra trường đi làm, muốn liên thông lên đại học cũng rất dễ dàng”.
CEO Nguyễn Hoàng Century cũng khuyên, trước thực trạng thất nghiêp ở bậc đại học, học cao đẳng, trung cấp đang được lựa chọn nhiều hơn. Hàng năm doanh nghiệp cần đội ngũ lao động có tay nghề, có chuyên môn với tỷ lệ cao hơn nhiều so với lao động trình độ đại học.
Anh Hồ dẫn chứng, hiện nay cơ cấu trình độ nhân sự tại Nguyễn Hoàng Century trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp… Thống kê qua các đợt tuyển dụng, người có bằng đại học không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp nhưng lại đòi hỏi mức lương cao hơn người học cao đẳng. Do không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên bị sa thải, hoặc phải làm công việc khác…
“80% sinh viên tốt nghiệp đại học ra làm vị trí của trình độ cao đẳng nhưng năng lực lại kém hơn. Đó là cái giá phải trả cho con em mình vì hào quang ảo của gia đình, lúc nào cũng muốn con vào đại học. Hãy cứ để các con chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, nhất là những hậu quả có thể xảy ra do áp lực học hành” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng.
Hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại trường THPT